Ai Soạn Lời Tuyên Bố Đầu Hàng Cho Dương Văn Minh?

Thứ ba - 31/12/2024 02:20
Quý vị và các bạn thân mến, những gì diễn ra tại dinh Độc Lập và Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975 là một phần trong sự kiện lịch sử. Một sự kiện lịch sử được nhiều người quan tâm và tranh luận: Ai là người đã soạn văn bản cho Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng? Để các bạn hiểu hơn về sự kiện này, hãy cùng lắng những hồi ức của những nhân chứng lịch sử mà chúng tôi tổng hợp được, hy vọng sẽ làm sáng tỏ thêm một phần của sự tranh luận này.

1. Trận Quyết Chiến Cuối Cùng Của Ở Cầu Sài Gòn

Cuộc chiến đấu ác liệt nhất từ khi bắt đầu hành quân về Sài Gòn, giữa xe tăng của ta với xe tăng, tàu chiến của địch. Trung đoàn Trưởng Nguyễn Xuân Văn yêu cầu mang DKZ lên bắn tăng, đồng thời điều cả bộ binh dùng B40, B41 lên hỗ trợ. Sau 1 giờ đồng hồ, lực lượng của ta mới bắn cháy 2 xe tăng và tiếp tục tiến lên. 

Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Văn, cử đồng chí Phạm Xuân Thệ, Đại úy, Trung đoàn phó, Trung đoàn 66 tiếp tục chỉ huy mũi thọc sâu, tiến thẳng vào Dinh Độc lập. Tuy nhiên, vào đến cầu Thị Nghè lại gặp ổ đề kháng của địch. Nhưng thế quân địch đã tàn, ta lại có xe tăng, nên thị uy vài quả đạn là địch bỏ chạy. 

Khoảng 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, hai chiếc xe tăng 390 và 843 tiến vào cổng Dinh Độc lập. Chiếc xe tăng 843 húc vào cổng phụ rồi khựng lại. Xe 390 đi sau, húc vào cổng chính mở đường rồi hai chiếc xe tăng lao qua bùng binh, vào đỗ trước cửa dinh. Ông Bàng Nguyên Thất, chiến sĩ thông tin liên lạc thuộc Đại đội 70, Tiểu đoàn 68, Trung đoàn 59 ngồi trên xe Jeep - xe này là chiến lợi phẩm thu được tại Đà Nẵng, cùng với đồng chí Phạm Xuân Thệ, đồng chí Nguyễn Văn Nhu - Trợ lý tham mưu, đồng chí Phùng Bá Đam, đồng chí Nguyễn Huy Hoàng - chiến sĩ thông tin truyền đạt, cùng có mặt tại sảnh Dinh. 

      Khi xe tăng và xe Jeep của ta đã vào tới sảnh Dinh, các lính gác tự động buông súng. Tại tiền sảnh, Chuẩn tướng Ngụy quân Nguyễn Hữu Hạnh nói rằng, mời các ông lên tầng hai, Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đang chờ ở đó. Quân ta đi lên tầng 2, rẽ tay trái gặp Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, đằng sau họ là toàn bộ nội các Ngụy quyền đang đứng chờ. Một bầu không khí im lặng đến bất ngờ ngự trị khắp khán phòng.

2. Ai Soạn Lời Tuyên Bố Đầu Hàng Cho Dương Văn Minh?

Thời gian gần đây, đặc biệt là vào ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trên một số phương tiện thông tin đại chúng, trong một số cuộc tọa đàm, gặp mặt truyền thống xuất hiện hồi ức, ý kiến về sự kiện chiếm dinh Độc Lập và Đài phát thanh Sài Gòn của một số nhân chứng từng giữ những cương vị lãnh đạo, chỉ huy (trong đó có Đại tá Bùi Văn Tùng - nguyên Trung tá, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Đại úy, Trung đoàn phó Trung đoàn bộ binh 66 thuộc Quân đoàn 2).

Trong các hồi ký và ý kiến đó có một số điểm không thống nhất mà nổi bật lên là vấn đề bắt nội các Dương Văn Minh ở dinh Độc Lập và thảo bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc tại Đài phát thanh. Điều này đã dẫn tới những nhận thức khác nhau trong một bộ phận dân chúng trong nước và dư luận trên thế giới; ảnh hưởng tới ý nghĩa thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Để làm rõ sự kiện trên, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng Tổng cục Chính trị đã chỉ thị cho Viện Lịch sử quân đội Việt Nam tổ chức điều tra, nghiên cứu làm rõ những chi tiết lịch sử còn chưa thống nhất để có cơ sở kết luận chính xác những vấn đề liên quan đến sự kiện dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. 

Để hiểu hơn về vấn đề này, Chân Dung Lịch Sử xin chia sẻ nguyên văn lời kể của ông Bàng Nguyên Thất, chiến sĩ thông tin liên lạc thuộc Đại đội 70, Tiểu đoàn 68, Trung đoàn 59. 

Ông kể: “Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu với Tổng thống Dương Văn Minh rằng đây là cán bộ chỉ huy của quân giải phóng. Ông Dương Văn Minh giơ tay ra bắt và nói chúng tôi đang chờ các ông đến để bàn giao, nhưng đồng chí Phạm Xuân Thệ gạt đi, nói rằng bây giờ quân giải phóng đã làm chủ nội đô, các anh phải ra hàng vô điều kiện. Đồng chí Thệ nói với Dương Văn Minh, đại ý hiện nay còn một số tỉnh vẫn còn tử thủ quyết liệt, ông là Tổng thống, ông phải kêu gọi và ra lệnh cho quân đội đầu hàng. Nhưng đi tìm các sĩ quan thông tin ở các hầm thông tin phía dưới Dinh đều không thấy ai cả. Liên lạc ra Đài phát thanh, thì nhân viên đài cũng bỏ trốn hết. Đồng chí Thệ hội ý với cán bộ, chiến sỹ của ta và quyết định áp giải Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu đến Đài phát thanh để kêu gọi binh lính Ngụy quyền đầu hàng. Lúc đó là 11 giờ trưa. Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu rất sợ, họ nói rằng, chúng tôi ra đường bây giờ hỗn loạn thế này, rất khó bảo toàn tính mạng. 

 Xe đỗ ở cửa Đài phát thanh (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cách Dinh khoảng 2km), chúng tôi áp giải Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu lên phòng thu âm. Đồng chí Hoàng Trọng Tình, Chính trị viên Tiểu đoàn 8, ra gặp đồng chí Thệ nói rằng, Tiểu đoàn 8 đã làm chủ Đài phát thanh và đang bảo quản Đài phát thanh một cách nguyên vẹn. Đồng chí Thệ thay mặt lãnh đạo khen ngợi Tiểu đoàn 8 và giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Trọng Tình cử cán bộ, chiến sĩ cho lực lượng bảo vệ Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và đi tìm nhân viên đến Đài phát thanh. 

 Đến đây đồng chí Phạm Xuân Thệ mới bắt đầu thảo lời tuyên bố đầu hàng. Dương Văn Minh hỏi: Tôi đồng ý đầu hàng, nhưng tôi nói gì? Đồng chí Thệ trả lời, ông nói theo lời mà tôi sẽ viết. Sau khi viết xong, đồng chí Thệ đưa cho Dương Văn Minh đọc để ghi âm. Nhưng, chữ viết của ông Thệ rất khó đọc, Dương Văn Minh nói rằng, “cấp chỉ huy đọc cho tôi ghi lại”. Đồng chí Thệ đọc cho ông Minh ghi lại lời tuyên bố đầu hàng. Ghi hết thì ông Minh đọc lời chuẩn để phóng viên người Đức ghi âm. Ghi âm xong, phát lại cho đồng chí Thệ nghe và giao lại cho nhân viên phát trên sóng phát thanh. Lời đầu hàng đại ý rằng: “Tôi Tổng thống nước Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh, ra lệnh toàn bộ lực lượng sĩ quan và binh lính đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng, quay trở về với quốc gia...” Lúc đó là 11h20 trưa ngày 30/4. 

15 phút sau, ông Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203 mới có mặt tại Đài phát thanh. Sau khi nghe lời tuyên bố đầu hàng xong, đồng chí Thệ và đồng chí Tùng bàn với nhau: Đã có lời tuyên bố đầu hàng thì phải có lời chấp nhận đầu hàng. Đồng chí Tùng là người Đà Nẵng, có giọng miền Nam, nên viết và đọc lời chấp nhận đầu hàng, đại ý rằng: “Tôi đại diện cho quân giải phóng miền Nam Việt Nam chấp nhận lời đầu hàng vô điều kiện của của Tổng thống Dương Văn Minh. Và tuyên bố miền Nam hoàn toàn giải phóng…”. 

Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chúng tôi lại áp giải ông ta và Vũ Văn Mẫu xuống xe Jeep trở về Dinh Độc lập, theo sau là hai xe bảo vệ. Về đến Dinh thì Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã vào đến nơi. Ông Minh và toàn bộ nội các được giao lại cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2.

3. Sự Chia Sẻ Của Nhà Báo Đức 

Nhà báo Đức, ông Borries Gallasch đã phải lên tiếng. Ta hãy nghe tiếng nói của ông. Cứ như lời ông thì “Ông Thệ vào Dinh trước ông Bùi Tùng. Nhưng khi đó trong Dinh rất hỗn loạn. Chẳng ai bảo được ai. Trật tự chỉ được thiết lập khi ông Bùi Tùng xuất hiện sau đó ít phút”. Và rồi sau đó: “Ông Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu và ông Bùi Tùng đã rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây để sang đài phát thanh. Chúng tôi bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước, tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu leo lên một chiếc xe jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng. Đại úy Phạm Xuân Thệ đi xe này. Chính ủy Bùi Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai. Tôi đang đứng ngay cạnh chiếc xe jeep nói chuyện với ông Bùi Tùng bằng tiếng Pháp, cố gắng xin ông ta để được lên xe. Ông gật đầu đồng ý. 

Luật sư Đỉnh với bộ râu dài cũng leo lên chiếc xe jeep này và chúng tôi lái đi. Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy - một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi bỗng nhiên được làm dịu đi - qua tòa đại sứ Mỹ trống hoác, đến đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một.

 Những kỹ thuật viên của chính đài này đã tháo chân dung của Nguyễn Văn Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Chúng tôi ngồi bất động một lát. Ông Mẫu quạt mặt mình bằng một quyển sách. Tổng thống Dương Văn Minh và chính ủy xe tăng Bùi Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh. Ông viết khá vất vả. Có lúc ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. 

Sau những năm chiến đấu cho một mục đích, thật là khó để biết phải viết như thế nào. Nhưng rồi cũng viết xong. Cuối cùng mọi người đã sẵn sàng, nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng hướng dẫn rất rõ ràng những việc phải làm: ông Minh cần phải đọc lại bản tuyên bố vào máy ghi âm của tôi, việc này được lặp đi lặp lại đến ba lần. Lần đầu tiên ông Minh chần chừ vì được yêu cầu phải đọc là: “Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”, nhưng ông ấy chỉ muốn nói: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh...”. Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận: không nhượng bộ ông Minh. Ông Minh phải nói: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn”. Nhưng ông Minh không đọc được bản viết tay của chính ủy Tùng và nói sai nhiều lần. Tất cả mọi thứ lại phải được đọc lại từ đầu. Chật vật mãi cuối cùng cũng đã xong…

Là Tổng Thư ký Ban biên tập bộ Lịch sử Nam bộ kháng chiến, ông Nguyễn Trọng Xuất khẳng định: “Lịch sử không chấp nhận những cái gì người ta bịa ra. Lịch sử chỉ chấp nhận sự chân thật và quần chúng chỉ được thuyết phục bằng sự chân thật của lịch sử”. Trong khi đó, trả lời cho câu hỏi vì sao ông vẫn miệt mài đi tìm sự thật, Đạo diễn - NSƯT Phạm Việt Tùng cho rằng phải trả lại cho lịch sử những gì như nó đã diễn ra, đó không chỉ là việc làm để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc cho hậu thế, mà còn là lương tri của người nghệ sĩ.

Hành động của Chính ủy Bùi Văn Tùng - người đã sáng suốt quyết định và kiên quyết tổ chức đưa tổng thống Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn, sau đó thảo lời tuyên bố đầu hàng, góp phần làm cho cuộc chiến kết thúc một cách nhanh gọn, không đổ thêm xương máu - cần phải được chính thức ghi nhận, dù muộn màng.

Tác giả bài viết: Đạo Sĩ Chăn Gà

Nguồn tin: Đạo Sĩ Chăn Gà

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

HCTTE
VĂN PHÒNG CÔNG TY
HCTTE
LOGAN OF HCTTE
Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay164
  • Tháng hiện tại1,215
  • Tổng lượt truy cập4,684
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây