Những Trận Đánh Lịch Sử Ngày 5/8 - Hé Lộ Trận Đánh Thắng Đầu Tiên Của Hải Quân Nhân Dân Việt Nam

Thứ năm - 09/01/2025 07:52

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, có những sự kiện mang tính lịch sử sẽ còn sống mãi với thời gian. Ngày 5/8/1964 là mốc son lịch sử như vậy, cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn đầu tiên của không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam ngày 5 tháng 8 năm 1964 được Mỹ đặt tên là “hành quân Pierce Arrow” (Mũi tên xuyên) do 64 lần chiếc máy bay của hải quân từ hai tàu sân bay Constellation và Ticonderoga đánh phá các khu vực Vinh Bến Thủy (hai lần), Lạch Trường (Thanh Hóa), Hòn Gai và Cảng Gianh (Quảng Bình).

  1. Trận Đánh Tại Vinh - Bến Thủy Lần 1

Ở khu vực Vinh - Bến Thủy, tám máy bay phản lực cường kích cất cánh từ tàu sân bay Ticonderoga mở đầu trận đánh phá lúc 12 giờ 25 phút. Máy bay địch chia thành hai tốp, bay thấp trên biển làm cho ra-đa của ta khó phát hiện, rồi đột nhập Cửa Sót (phía nam huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), lợi dụng dãy núi Hồng Lĩnh, Nam Bàn che khuất và bay thấp theo triền sông Lam để tiếp cận các mục tiêu từ phía đông – nam và tây – nam.

Vọng quan sát của trung đoàn 290 ở cửa Sót đã phát hiện được máy bay địch. Đại đội 14 ra-đa đánh dấu được đường bay của máy bay địch trên bàn tiêu đồ. Nhưng do thông tin không thông suốt nên trung đoàn Phòng không 280 bảo vệ thành phố Vinh không nhận được thông báo kịp thời. Khi máy bay địch bay vào vùng trời thành phố, hầu hết các đại đội hỏa lực của trung đoàn 280 đang ở trạng thái chiến đấu cấp 2. 

Nghe tiếng động cơ máy bay địch, khẩu đội trưởng khẩu đội bốn Phan Đăng Cát, chính trị viên Liêm, trung đội trưởng Ny và các chiến sĩ đại đội 138 pháo cao xạ 90 milimet chạy ra đến vị trí chiến đấu thì kho dầu Vinh đã bị trúng bom địch bốc cháy. Trận địa đại đội 138 ở xã Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bị trúng đạn rocket. Máy bay địch phân tốp, tiếp tục bắn phá các tàu hải quân đậu ở Cửa Hội.

Trung đội súng máy phòng không 14.5 milimet trên núi Quyết bắn những loạt đạn đầu tiên vào bọn cướp trời Mỹ. Các đại đội 138, 139, 137 pháo trung cao 90 mi-li-mét và các đại đội 71, 72, 73 pháo tiểu cao 57 milimet bắn ngắm trực tiếp, bắn bằng phần tử D49 và phần tử tổng hợp đánh trả địch quyết liệt. Nhưng do hỏa lực phân tán, hiệp đồng không chặt chẽ nên đường đạn thiếu chính xác và chỉ bắn được những chiếc bay sau. 

Vào lúc 12 giờ 40 phút, một máy bay AD.6 của địch trúng đạn rơi xuống biển, cách bờ khoảng 10 kilômét. Ít phút sau, tàu 187 của hải quân đậu ở gần Hòn Ngư phối hợp với các trận địa pháo cao xạ trên bờ bắn rơi chiếc máy bay thứ hai. Đây là hai chiếc máy bay phản lực hiện đại đầu tiên của đế quốc Mỹ bị bộ đội Phòng không, bộ đội Hải quân và các lực lượng vũ trang địa phương bắn rơi trên vùng trời miền Bắc.

Trận chiến đấu đầu tiên ở khu vực Vinh - Bến Thủy kết thúc lúc 12 giờ 55 phút. Hai trong số tám máy bay địch tham gia trận đánh bị trúng đạn rơi xuống biển. Trung đoàn 280 có hai chiến sĩ bị thương. Đại đội 138 bị đạn rốc-két bắn trúng làm két nước bị vỡ, máy nổ hỏng, bảy cuộn dây điện bị cháy.

2. Trận Đánh Tại Quảng Bình

Ở Quảng Bình, cùng thời điểm đánh phá Vinh - Bến Thủy, tám máy bay A.4D oanh tạc các căn cứ của hải quân ta ở cửa sông Gianh, Mũi Ròn. Các tàu 161, 167, 173, 175, 177, 181, 527 của hải quân phối hợp với các lực lượng bắn máy bay trên bờ, trong đó có trung đội dân quân xã Cảnh Dương do xã đội trưởng Trương Văn Thích chỉ huy đã anh dũng đánh trả, bắn rơi một máy bay địch.

Trong khi trận đánh đang diễn ra quyết liệt ở Vinh - Bến Thủy và Quảng Bình, tại sở chỉ huy Quân chủng Phòng không – Không quân, các đồng chí trong thường vụ đảng uỷ, bộ tư lệnh và thủ trưởng các cơ quan đã tập trung đông đủ, theo dõi và chỉ huy trung đoàn pháo cao xạ 280 và trung đoàn radar 290 đánh địch. Các đơn vị trong toàn quân chủng được lệnh vào chiến đấu cấp 1. Phán đoán hành động sắp tới của địch, thường vụ đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng nhận định có khả năng địch sẽ đánh phá khu vực Hòn Gai, mục tiêu cụ thể là quân cảng Bãi Cháy. Tiểu đoàn phòng không 217 bảo vệ khu công nghiệp Hòn Gai - Cẩm Phả được lệnh sẵn sàng đánh trả máy bay địch.

Vào lúc 14 giờ 2 phút, các đài radar của hai trung đoàn 290, 291 phát hiện một số máy bay địch hoạt động ở vùng ven biển miền Bắc. Tin về hoạt động của máy bay địch được thông báo kịp thời về tổng trạm radar tại sở chỉ huy Quân chủng. Khi máy bay địch vào cách thành phố Vinh 50 kilômét, trung đoàn 280 pháo cao xạ đã bắt được mục tiêu. Lần thứ hai trong ngày 5 tháng 8, thành phố Vinh kéo còi báo động. Quân và dân thành phố sẵn sàng bước vào đợt chiến đấu mới.

Lúc này đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng đang lên báo cáo diễn biến chiến đấu của khu vực Vinh - Bến Thủy và Quảng Bình với Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh. Thượng tá Lê Văn Trị, Phó tư lệnh Quân chủng trực tiếp chỉ huy tại sở chỉ huy Quân chủng. Căn cứ vào dự kiến về hành động của địch đã được thống nhất trong Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng, các sĩ quan ở sở chỉ huy phán đoán hoạt động của máy bay địch trên vùng trời Quân khu 4 có thể là hành động nghi binh. Sĩ quan trực chỉ huy được lệnh thông báo tình hình địch đến các đơn vị trong toàn Quân chủng và ra lệnh cho các đơn vị Phòng không bảo vệ Hòn Gai, Hải Phòng sẵn sàng chiến đấu.

Ít phút sau, các đài radar của ta phát hiện một số máy bay địch bay lên từ phía bắc. Hai tốp gồm tám chiếc F8U và AD.6 cất cánh từ tàu sân bay Constellation lợi dụng vật che khuất ở khu vực Sầm Sơn, công kích các tàu hải quân của ta ở Lạch Trường (Thanh Hóa). Đại đội radar 19 phát hiện được đường bay của máy bay địch. Khẩu đội súng máy phòng không 14,5 milimet bảo vệ trạm radar do đồng chí Đinh Trọng Nhưỡng chỉ huy kịp thời nổ súng, phối hợp chiến đấu với bộ đội Hải quân và các lực lượng vũ trang địa phương. Trận đánh kéo dài 26 phút (từ 14 giờ 34 phút đến 15 giờ). Thêm hai máy bay địch bị bắn rơi trên vùng trời Thanh Hóa.

3. Trận Đánh Tại Quảng Ninh

Cùng thời gian đánh phá Lạch Trường, hai tốp (gồm tám chiếc) máy bay khác cùng cất cánh từ tàu sân bay Constellation vào đánh phá căn cứ của Hải quân ta ở Bãi Cháy (Quảng Ninh). Các tàu 134, 227 và nhiều tàu khác của bộ đội Hải quân, vừa bắn trả địch vừa cơ động vượt ra ngoài vịnh. 

Đại đội 142 pháo cao xạ 88 milimet (tiểu đoàn phòng không 217) nhằm thẳng lúc máy bay địch bổ nhào mà bắn. Nhưng do hiệp đồng không chặt, hỏa lực của các đơn vị bị phân tán. Trong đợt công kích thứ ba của máy bay địch, khẩu đội súng máy phòng không 14,5 milimet do trung đội phó Trương Thanh Luyện chỉ huy đã đón đúng đường bay từ ngoài biển vào của địch, nổ súng chính xác, bắn rơi tại chỗ một máy bay A.4D. Tên giặc lái Alvarez, cấp bậc trung úy, nhảy dù rơi xuống biển bị quân và dân ta bắt sống trên miền Bắc. Các đại đội 141 và 143 pháo cao xạ 88 (tiểu đoàn 217) bắn bằng phần tử tổng hợp phối hợp với bộ đội Hải quân và dân quân tự vệ bắn rơi chiếc máy bay thứ hai. Trận chiến đấu ở khu vực Hòn Gai kết thúc lúc 15 giờ 5 phút.

4.Trận Đánh Tại Vinh - Bến Thủy Lần 2

Ngay sau trận đánh, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 217 khẩn trưởng củng cố công sự, lau chùi pháo đạn, sẵn sàng bước vào trận chiến đấu mới. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm bộ đội khi trận địa còn khét mùi thuốc súng, khen ngợi chiến công đầu của tiểu đoàn 217. Đồng chí Vương Đình Nạp, chính trị viên tiểu đoàn đã báo cáo với Thủ tướng diễn biến trận chiến đấu và quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn. 

Thủ tướng căn dặn bộ đội phòng không: “Thắng lợi của chúng ta rất lớn, nhưng mới chỉ là trận đầu. Địch có thể còn đánh trở lại với lực lượng lớn hơn nữa. Điều quan trọng là ta phải rút kinh nghiệm để chiến đấu giỏi hơn, giành thắng lợi lớn hơn. Cần cảnh giác cao độ, luôn sẵn sàng chiến đấu. Đừng để có một sơ suất nhỏ nào...”.

16 giờ 30 phút cùng ngày 5 tháng 8, máy bay địch đánh phá khu vực Vinh - Bến Thủy và cảng Gianh lần thứ hai. Đợt này, địch sử dụng tám chiếc A.4D cất cánh từ tàu sân bay Ticonderoga tiếp tục đánh vào kho dầu Vinh, các căn cứ hải quân và đánh “trả đũa” các trận địa pháo cao xạ của ta.

Rút kinh nghiệm trận đánh lúc trưa và được Bộ tư lệnh Quân chủng thông báo kịp thời diễn biến trận đánh ở Lạch Trường và Bãi Cháy, lại tranh thủ được thời gian củng cố trận địa, chuẩn bị pháo đạn... trung đoàn 280 cùng quân và dân thành phố Vinh đã phát hiện được địch từ sớm, chủ động nổ súng đánh địch khi chúng bay vào vùng thời thành phố. 

Ngay từ những phút đầu, hỏa lực tập trung và mãnh liệt của đại đội 138 pháo cao xạ 90 milimet, đại đội 71 pháo cao xạ 57 milimet và các đơn vị khác đã bắn rơi một máy bay địch. Trận đánh kéo dài ác liệt vì máy bay địch đánh thẳng vào trận địa của các đơn vị pháo cao xạ. Trận địa đại đội 138 bị trúng gần 100 quả rocket. Trận địa đại đội 71 bị trúng hai quả bom. Khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát bị thương đến lần thứ ba vẫn tiếp tục chiến đấu và đã hy sinh anh dũng trên trận địa.

Trận chiến đấu của quân và dân ta ở khu vực Vinh - Bến Thủy cũng là trận chiến đấu cuối cùng trong ngày 5 tháng 8 năm 1964, kết thúc lúc 17 giờ.

Tiếp theo các hoạt động khiêu khích, phá hoại miền Bắc ngày càng trắng trợn, có tính toán và chuẩn bị từ trước và sau khi dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ” nhằm đánh lạc hướng dư luận, lừa dối quốc hội và nhân dân Mỹ, tập đoàn cầm quyền nước Mỹ chính thức sử dụng không quân đánh phá miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân quy mô lớn và vô cùng tàn bạo của Mỹ đối với một nước độc lập, có chủ quyền. Cuộc chiến tranh phá hoại này là một bộ phận của cuộc chiến tranh xâm lược đang được Mỹ đẩy mạnh ở miền Nam nước ta.

5. Sự Thất Bại Nặng Nề Của Mỹ

Trong ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ huy động 64 lần chiếc máy bay của hải quân, đánh phá ba đợt vào bốn khu vực với ý đồ dùng sức mạnh của hải quân và không quân đánh đòn bất ngờ, gây cho ta một số thiệt hại, uy hiếp và làm lung lạc ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam của quân và dân ta, nâng đỡ tinh thần đang suy sụp của ngụy quân, ngụy quyền; phô trương sức mạnh quân sự Mỹ trước nhân dân thế giới, hù dọa những kẻ hữu khuynh và “tả khuynh” trong phong trào cộng sản quốc tế, hạn chế sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế đối với cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.

Nhưng đế quốc Mỹ đã bị một thất bại lớn, vô cùng bất ngờ và choáng váng. Mặc dù đã chuẩn bị kỹ, sử dụng nhiều biện pháp trinh sát và nghi binh, kết hợp giữa kỹ thuật hiện đại với các thủ đoạn chiến thuật như tạo thế bất ngờ, công kích từ nhiều hướng... nhưng tám trong số 64 lần chiếc máy bay cất cánh, tức 12 phần trăm số máy bay được huy động vào một trận đánh đã bị bắn rơi. Một số chiếc khác bị trúng đạn. Một giặc lái bị bắt sống. 

Đây là một tỷ lệ cao về số máy bay bị rơi so với số máy bay tham chiến trong tác chiến của không quân. Điều đặc biệt là nhiều máy bay phản lực hiện đại của Mỹ đã bị quân và dân ta bắn rơi. Ở cả bốn khu vực, trong các lần địch đánh phá đều có máy bay bị bắn rơi. Các mục tiêu mà Mỹ đặt ra cho cuộc tiến công đều không đạt được. Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, không quân Mỹ nếm mùi thất bại.

Đối với quân đội ta, đặc biệt là với Quân chủng Hải quân, Phòng không – Không quân chiến thắng ngày 5 tháng 8 có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng. Trong trận đầu đánh trả cuộc tập kích bất ngờ của không quân địch, các lực lượng vũ trang trên miền Bắc, nòng cốt là bộ đội Phòng không và bộ đội Hải quân chỉ với vũ khí phòng không thông thường, có loại đã cũ (pháo 88 và 90 mi-li-mét) và sử dụng cả súng máy, súng trường đã bắn rơi nhiều máy bay phản lực hiện đại, bắt sống giặc lái. 

Sau trận đánh, khí thế đánh Mỹ, niềm tin bắn rơi máy bay Mỹ ở các đơn vị lên rất cao. Đây là tiền đề rất quan trọng giúp cho Đảng ủy, bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân và phòng không không quân và các cấp bồi dưỡng nâng cao ý chí chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, kịp thời điều chỉnh lại thế trận, rút ra nhiều bài học bổ ích và tổ chức chỉ huy và cách đánh để bổ sung cho chương trình và nội dung huấn luyện bộ đội, chuẩn bị cho những trận đánh, những đợt chiến đấu dài ngày sau này. Trong giai đoạn mới của cách mạng và trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, chiến thắng 5/8/1964 nhắc nhở chúng ta luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi thế lực thù địch, giữ vững vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tác giả bài viết: Phạm Hoa

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Giới thiệu về HCTTE

Với các lĩnh vực hoạt động, công ty luôn mang đến những sản phẩm chất lượng, cam kết phục vụ khách hàng bằng tất cả trái tim của mình. Mọi chi tiết xin liên hệ: Công ty TNHH Truyền thông Công nghệ, Du lịch và Giáo dục Hoàng Hải  

Thăm dò ý kiến

Hoạt động chính công ty HCTTE ?

HCTTE
VĂN PHÒNG CÔNG TY
HCTTE
LOGAN OF HCTTE
Thống kê
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay468
  • Tháng hiện tại3,135
  • Tổng lượt truy cập6,604
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây