Món Thuế Nặng Nề Đối Với Nhân Dân Mỹ
Với tham vọng “Bá chủ thế giới”, đế quốc Mỹ đã sử dụng bạo lực phản cách mạng đến cao độ, tiến hành một cuộc chiến tranh lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chưa bao giờ nước Mỹ sử dụng lực lượng quân đội đông và mạnh để tham chiến như trong chiến tranh Việt Nam. Với ý đồ nhanh chóng dẹp yên quân lực “cộng sản”, giành thắng lợi áp đảo. Nhiều người trong Chính phủ cũng như báo giới Mỹ đều kỳ vọng rằng sự can thiệp của quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam sẽ dẫn đến một thắng lợi chớp nhoáng hoặc chí ít là buộc quân đội Bắc Việt Nam lùi bước. Nhưng phía Mỹ đã đánh giá thấp Việt Nam. Trái với tham vọng đó, chiến tranh Việt Nam không những không mang lại lợi nhuận gì mà còn gây ra nỗi đau dài cho nhân dân Mỹ.
Theo thú nhận chính thức của chính phủ Mỹ, con số thương vong của lính Mỹ ở Việt Nam cao hơn tất cả các cuộc chiến tranh trong lịch sử nước này, trừ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Hậu quả đầu tiên là số người chết trong chiến tranh ngày một tăng. Tính chung cả cuộc chiến tranh, con số thống kê công khai là từ năm 1961 đến năm 1974 có tới 57.259 người Mỹ đã chết ở Việt Nam trong đó có gần 37.000 người (64%) không quá 21 tuổi. Riêng năm 1970, gần 70% số thương vong là những lính quân dịch trẻ. Đó thực sự là món thuế máu nặng nề đối với nhân dân Mỹ.
Đi liền với chết chóc là thương vong, bệnh tật. Cũng theo con số chính thức, có 303.704 người đã bị thương trong chiến đấu. Trong số này có 153.329 người bị thương nặng phải nằm bệnh viện dài ngày còn 150.343 người mang những vết thương đã được chữa khỏi. Lầu Năm Góc cũng thừa nhận có đến 20.000 người Mỹ chắc chắn đã nhiễm chất da cam ở Việt Nam. Ngoài ra còn có gần 350.000 cựu binh khác (15% tổng số) bị giải ngũ một cách không vinh dự, không được bảo đảm việc làm, không được tôn trọng và tin cậy sau khi về nước.
Cuộc chiến thất bại còn ảnh hưởng kinh tế do những khoản chiến phí khổng lồ (nhiều người ước tính là 167 tỷ USD) đã khiến cho nước Mỹ lâm vào tình trạng lạm phát hai con số, nợ liên bang tăng vọt, kinh tế và mức sống sụt giảm trong giai đoạn dài từ cuối những năm 1960-1990. Mỹ cũng phải trả giá đắt về chính trị cho Chiến tranh Việt Nam.
Cú Sốc Nặng Nề Của Những Người Lính Mỹ
Chiến tranh đi qua, kẻ thắng, người bại đều trở về nhà. Nhưng cuộc chiến không kết thúc vào lúc ngừng tiếng súng. Nó vẫn còn tiếp diễn với nhiều người, đặc biệt là những người lính trở về từ chiến trường. Nỗi đau mất đi người thân, đồng đội hoặc một phần thân thể, nỗi ám ảnh về những nghịch cảnh bạo tàn của quá khứ như bóng ma cứ đeo đuổi mãi, khiến cho vết thương tâm hồn ngày càng trầm trọng thêm, khi mà vết thương thịt da đã được chữa lành.
Nhiều người Mỹ trở về từ cuộc chiến đã mãi kẹt lại ở quá khứ, với những day dứt, hận thù, ám ảnh. Đó là những chấn động lớn về tâm lý và tình cảm của người Mỹ nói chung và các cựu chiến binh Mỹ nói riêng. Nó khiến cho hầu hết lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam đều nghiện một chất gì đó như rượu, thuốc lá… thậm chí cả heroin.
Theo số liệu thống kê có khoảng 1/5 số lính Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam trong những năm 70 đã nghiện ma túy. Bên cạnh đó, những tổn thương về tâm lý ở họ còn biểu hiện rõ ràng là thường xuyên trong trạng thái lo lắng, căng thẳng. Đó là cái giá quá đắt mà nước Mỹ phải trả cho cuộc chiến “định mệnh” của chúng ở Việt Nam.
Cú sốc đầu tiên của lính Mỹ là khi mang súng sang Việt Nam, họ bị tuyên truyền là chiến sĩ bảo vệ tự do, bảo vệ Việt Nam khỏi họa bị “cộng sản” xâm lấn. Thế nên, có những người sau nhiều năm trở về từ cuộc chiến vẫn cho rằng mình chiến đấu cho phe chính nghĩa.
Ông James G. Zumwalt, tác giả cuốn sách “Chân trần, chí thép”, là một ví dụ. Ông Zumwalt sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nhiều đời binh nghiệp, chừng hai mươi năm sau ngày Chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông vẫn nhìn về phía Việt Nam, kẻ thù cũ của nước Mỹ và của chính bản thân ông, với một niềm hận thù dai dẳng. Cái chết của người anh trai vì căn bệnh ung thư, hậu quả của phơi nhiễm Chất độc Hóa Học, càng khiến ông Zumwalt nung nấu lòng thù hận, với niềm tin xác quyết rằng chính người Việt Nam đã gây ra cho ông bi kịch gia đình ấy.
Cho đến năm 1994, ông James G. Zumwalt có một chuyến đi tiếp xúc với những con người từng ở bên kia chiến tuyến làm thay đổi tâm hồn và nhận thức của mình. Trước chuyến đi, ông chỉ tin rằng cuộc chiến của người Mỹ là chính nghĩa, nỗi đau mà người Mỹ hứng chịu từ cuộc chiến là duy nhất có ý nghĩa, và người Việt Nam phía bên kia chiến tuyến là kẻ thù tàn bạo, phải chịu trách nhiệm trước cuộc thua của người Mỹ và bi kịch gia đình ông. Qua những cuộc tiếp xúc từ các tướng lĩnh cấp cao như đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Huy Phan, tới những người dân thường, từ những trai làng xung phong ra trận tới những phụ nữ một lòng son sắt như bà Bùi Thị Mè, ông Zumwalt đã vỡ ra điều bất khả tri bấy lâu.
Về cú sốc đầu tiên này, một số nhà báo Mỹ đã sớm có nhận định tương đối chính xác về sự lớn mạnh của phong trào giải phóng dân tộc tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến nhà báo - nhà sử học B. Fall.
Năm 1967, rất ít người Mỹ có tầm nhìn sáng suốt đáng kinh ngạc như B.Fall. Nhưng 50 năm sau, nhiều người đã nhận ra rằng “chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến giết chết sự thật”, đó cũng là tiêu đề một bài viết của K.Marlantes. Mùa xuân năm 1967, trước khi ra mặt trận, K.Marlantes cùng nhiều sinh viên của Trường đại học Yale tham gia một cuộc thảo luận sôi nổi đến 2 giờ sáng về chiến tranh Việt Nam. Hầu hết sinh viên, trong đó có K.Marlantes, đã chế nhạo một thanh niên khi anh này nói rằng Tổng thống L.Johnson đang dối trá về tình hình chiến tranh Việt Nam.
Cho đến bây giờ, khi kể câu chuyện này cho những đứa con mình, K.Marlantes vẫn hối hận vì lời đùa cợt ấy. Những người con của K.Marlantes rất ngạc nhiên khi nghe câu chuyện của cha: “Dĩ nhiên là tổng thống đã dối trá. Ðó là nền chính trị dối trá. Lạy chúa! Cha đến từ hành tinh khác ạ?”.
Trước khi cuộc chiến tranh diễn ra ngày một ác liệt, niềm tin và kỳ vọng vào chính phủ L.Johnson hiện diện trong hầu hết người Mỹ đương thời. K.Marlantes thừa nhận mình đã bị chính phủ đánh lừa về sự kiện Vịnh Bắc Bộ, về con số thống kê các tỉnh, thành phố miền nam Việt Nam đã được bình định cũng như số lượng kẻ thù bị giết. Là cựu chiến binh có thời gian dài tham chiến ở Việt Nam, K.Marlantes còn phát hiện ra nhiều sự thật kinh khủng khác. Theo ông, “lính tình nguyện” - khái niệm được Lầu năm góc sử dụng để chỉ chế độ quân dịch của binh lính Mỹ tại Việt Nam, thực chất là để chỉ những người lính bị cưỡng bức thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ông cho rằng, đáng lẽ lính tình nguyện phải được hiểu là những người đã lập tức đăng ký nhập ngũ sau vụ trận Trân Châu Cảng hay vụ khủng bố ngày 11-9, và những người như thế có sự khác biệt sâu sắc với lính nghĩa vụ của Mỹ tại Việt Nam. Trong số người K.Marlantes từng gặp, cá biệt có người lính phải tham gia nghĩa vụ quân sự tới bảy đợt. Phần lớn trong số họ là người nhập cư hoặc sắc dân thiểu số trên khắp nước Mỹ. Theo số liệu của K.Marlantes, có tới 200 vụ lính Mỹ bị sát hại bởi lựu đạn của “đồng đội” xuất phát từ nguyên nhân phân biệt chủng tộc. Vì nhiều lý do khác nhau, những kẻ sát nhân này đã không phải ra tòa án binh và nhận tội!
Thực tế, những thanh niên từng bị lừa gạt về chiến tranh Việt Nam để sẵn sàng đăng lính như K. Marlantes xuất phát từ một nguyên nhân quan trọng khác là nhiều thông tin của các phóng viên chiến trường và cựu chiến binh Mỹ đã không đến được với người dân nước này, cho dù vẫn được rêu rao là cuộc chiến được “truyền hình tới tận phòng khách”. Bài viết Cuộc chiến trong phòng khách của Lyndon Johnson của Giáo sư Sử học C.Pach ở Ðại học Ohio đã phần nào hé lộ chính sách bưng bít thông tin dưới vỏ bọc tự do báo chí của Tổng thống thứ 36 của Mỹ.
Năm 1967 là thời điểm L.Johnson nhận ra tầm ảnh hưởng của truyền hình với người dân Mỹ, nhất là khi lực lượng tham chiến của Mỹ tại Việt Nam tăng vọt lên con số hơn 400.000 người. Sau Thế chiến thứ hai và Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, nhà chức trách Mỹ đã phải miễn cưỡng gỡ bỏ chính sách kiểm duyệt, cho phép phóng viên đưa tin về Việt Nam. Tuy nhiên, họ từ chối cung cấp các thông tin quan trọng về cuộc chiến cho báo chí. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng A.Sylevestre đã nói với các nhà báo: “Nếu các anh tin rằng các quan chức Mỹ sẽ tiết lộ cho các anh sự thật thì các anh thật là ngu ngốc”.
Bên cạnh việc công khai chỉ trích, buộc tội những tờ báo, kênh truyền hình như CBS đi theo tiếng gọi của tự do báo chí, L.Johnson và cỗ máy tuyên truyền của mình cũng có những kế hoạch riêng. Cụ thể theo C.Pach, vị tổng thống này và tướng W.C Wesmoreland thay nhau phát biểu trước báo giới và Hiệp hội nhà báo quốc gia bằng những thông tin “tích cực” về cuộc chiến. Tuy không thể bác bỏ các nguồn thông tin “chính thống” này, nhiều nhà báo chân chính của Mỹ vẫn tiếp tục hoài nghi. Sau khi trở về từ Việt Nam, R.Paterson của ABC đã nhận định chính quyền Sài Gòn khi đó còn tham nhũng, thiếu hiệu quả hơn chính quyền tiền nhiệm Ngô Ðình Diệm và quân đội của chế độ này cần phải mất ít nhất từ một đến hai thập kỷ nữa mới có thể tác chiến hiệu quả. Trong bài viết Cuộc chiến truyền hình đầu tiên, phóng viên kỳ cựu của NBC là R.Steinman cũng đã thừa nhận đó là cuộc chiến mà người Mỹ không thể thắng sau khi chứng kiến những gì diễn ra ở Việt Nam vào năm 1967.
Cú sốc thứ hai với những người lính Mỹ là ngày về, thay vì được đón chào như những anh hùng dân tộc như những lớp cha anh họ sau Chiến tranh thế giới thứ hai hoặc là thế hệ con cháu họ sau này sau vùng Vịnh, họ bị coi là những kẻ giết người. Số cựu binh Mỹ tự sát sau chiến tranh nhiều hơn cả số người bỏ mạng trong chiến tranh. Có lẽ hơn ba phần tư trong số một triệu người trở thành vô gia cư hoặc thất nghiệp. Gần 700.000 lính quân dịch, rất nhiều người xuất thân nghèo khó, giáo dục thấp không được hưởng trợ cấp xứng đáng. Họ rất khó khăn khi tìm kiếm việc làm, duy trì các quan hệ gia đình.
David Lamb phóng viên chiến trường của hãng tin Mỹ UPI chia sẻ: “Một trong những sai lầm lớn nhất của chúng tôi là không hiểu người Việt Nam, không hiểu lòng kiên nhẫn, sự ngoan cường, chủ nghĩa dân tộc, khả năng chiến đấu, lịch sử, văn hóa, và ngôn ngữ của các bạn. Đối với thắng bại trong chiến tranh thì đó là sự thiếu hiểu biết chết người. Tôi ước rằng Mỹ đã có thể rút ra được bài học kinh nghiệm từ Việt Nam nhưng đáng tiếc là chúng tôi lại sa vào cuộc chiến tại Iraq, một thảm họa không khác cuộc chiến tranh Việt Nam”.
Những Ám Ảnh Không Thể Quên Của Lính Mỹ Tại Chiến Trường Việt Nam
Cựu binh Mỹ hai mươi năm không dám động tay vào đất vì nỗi ám ảnh MÌN Cứt!
Một cựu binh Mỹ kể lại những ngày tháng chiến đấu trên chiến trường Việt Nam: “Tao được đào tạo là lính công binh dò mìn. Mỗi lần đội tuần tra rời căn cứ, đám dò mìn chúng tao phải đi đầu. Mày hỏi 1 năm ở VN của tao là gì á? Là toàn cứt! Cái bọn Việt cộng đó nghĩ ra một cái trò vô cùng khốn nạn. Đó là chúng nó ị hoặc cho cứt vào các vị trí chôn mìn rồi đắp đất lên. Và thế là sáng nào cũng vậy, tao sẽ nghe thấy máy báo là có kim loại. Thế là cả đoàn dừng lại. Thế là tao sẽ phải đào bằng tay quanh cái chỗ ...nghi là có mìn đó. Đào sâu xuống một chút, tay tao sẽ chạm vào một đống cứt người nhầy nhụa, mùi sú uế xộc thẳng vào mũi của tao. Móc hết chỗ đó lên, đào tiếp xuống phía dưới, tao sẽ đụng phải một cái vỏ lon hay đôi khi là một mảnh bom hay kim loại gì đó. Những thứ đó rất sắc và nếu mày đứt tay thì sẽ phải tiêm phòng uốn ván vì mày có thể bị nhiễm trùng bởi những thứ cứt đái kinh khủng mà bọn nó phủ lên trên.
Lần nào cũng như lần nào, sau cái màn móc cứt đó thì tao vẫy tay ra hiệu là an toàn. Đám tuần tra tiến lên, ngay sau đó tao bị xa lánh vì mùi cứt trên tay, chúng nó không dám đi gần tao nữa. Mày hỏi tại sao tao lại không rửa tay hả? Một thằng bạn tao đã làm như thế. Sau khi móc cứt xong, nó thấy một cái ao nhỏ gần đó và mò ra đó rửa tay. Bùm! Việt cộng cài lựu đạn ngay chỗ bờ ao. Sau đó thì không ai muốn dò dẫm suốt chặng đường ra chỗ rửa tay nữa vì ở phía trước sẽ còn hai hố cứt nữa. Thường xuyên là ba hố cứt như vậy trên đường bọn tao đi. Tao đoán, đám Việt cộng theo dõi căn cứ bọn tao có 3 người vì chẳng có thằng nào lại ị 3 đống cứt trong 1 đêm cả, và cứ như thế, sáng nào bọn tao cũng phải móc đúng 3 đống cứt.
Tao có thể tưởng tượng được khuôn mặt sung sướng của mấy tay khốn nạn khi chúng nó đi ị và nghĩ về việc hôm sau bọn tao sẽ phải moi móc chỗ đó.
Mày hỏi tại sao tao cứ phải moi cứt? Vì trong thời gian tao ở đó có 2 quả mìn thật đã nổ khiến đội tuần tra mất 3 người và bọn tao gỡ được khoảng chục quả mìn thật. Bọn tao tổ chức phục kích nhiều lần nhưng không bắt được chúng. Sau cả đêm phục kích thì sáng hôm sau tao đã không phải móc cứt nữa, thay vào đó là tao đã bị muỗi cắn cả đêm. Rõ ràng đám Việt cộng đó theo dõi bọn tao rất kỹ. Cho đến khi tao về nước, tao vẫn không nhìn thấy tên nào hay một lần chạm súng với chúng. Và bây giờ mày hỏi tao là thời gian phục vụ của tao tại Việt Nam như thế nào, tao sẽ nói với mày là nó toàn mùi cứt. Hai mươi năm sau khi từ Việt Nam về, tao mới trồng rau lại trong vườn nhà mình. Trước đó, mỗi lần chạm tay vào đất, tao lại thấy nguyên xi lại mùi cứt mà tao từng ngửi ở Việt Nam. Đó là lý do suốt 20 năm sau đó tao không sờ vào đất.”
Đánh giặc bằng ong vò vẽ
Nhân dân ta bắt ong về nuôi. Hằng ngày đem áo, khăn của mình ra treo ở gần tổ ong để cho ong quen mùi, nhân dân ta lại gần tổ ong thì không sao nhưng khi Mỹ càn tới, ong thấy mùi lạ bèn xông ra đánh tới tấp làm bọn lính Mỹ bị ong đốt bỏ chạy toán loạn. Trận địa có ong vò vẽ được thiết kế công phu: Ong được bắt về điểm sẽ xây dựng trận địa từ hồi tổ còn nhỏ, đem về hàng ngày cho ong ăn thịt trâu, bò cho tổ ong lớn nhanh. Bên cạnh tổ ong, chúng ta thiết kế trận địa hầm chông, mìn, cắm chông dày đặc ở dưới các mương gần đó. Khi địch đã lọt vào “ổ”, từ xa quân ta sẽ giật dây phá vỡ tổ ong cho ong bay ra rượt bọn địch đánh tới tấp, khiến chúng hoảng loạn đâm đầu chạy, không biết xung quanh mình trận địa đã bày sẵn: Thằng thì rớt xuống hầm chông, thằng thì rơi vào điểm có cài lựu đạn nổ, thằng thì nhảy xuống mương mong rằng thoát nạn bị ong đánh, ai dè bị chông dưới mương đâm lủng bụng, làm bọn địch chết loạn xạ và phải dừng cuộc hành quân. Cách đánh giặc bằng ong vò vẽ rất hiệu quả. Tạo nên một sức mạnh toàn dân đánh giặc càng làm cho phong trào giải phóng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ong vò vẽ được mệnh danh là “Binh chủng không quân” của chiến tranh nhân dân.
Hầm chông giết giặc
Trong những trận càn, nhiều binh sỹ Mỹ vẫn nói với nhau rằng “Đi một bước nữa có thể là bước đi cuối cùng của đời mình!”. Bởi vì: Chúng có thể bị sụp xuống hầm chông và hậu quả thì từ chết tới bị thương. Trên những con đường làng êm ả của Việt Nam, hằng ngày người dân Việt Nam đi làm đồng, đi chợ, đi bắt cá,…rất đỗi bình thường. Nhưng tới khi quân Mỹ đi càn thì con đường ấy lại trở thành con đường xuống địa ngục. Vì nó đầy rẫy những cạm bẫy không lường trước được. Đó là những hầm chông sắc nhọn được vót bằng loại tre già hay tầm vông được cắm thật chặt xuống hố đã được đào sẵn, chỉa mũi nhọn lên trên. Ở trên được ngụy trang bằng những cành cây, rơm rạ, hay lá cây. Bình thường không biết đấy là hầm chông chỉ khi nào quân địch bị rơi tọt xuống hố đó, rồi bị chông đâm thủng bụng, xuyên qua mông, xuyên qua chân thì mới biết là mình đã rơi vào trận địa được nhân dân ta bày sẵn. Nhân dân ta đã sáng tạo ra rất nhiều loại chông: Chông đòn, chông hầm, chông quay, chông bàn, chông hom,…đa số chông được làm bằng tre, có những nơi chông được làm từ thân của cây cau già, hay làm bằng sắt. Hầm chông được bố trí ở khắp nơi: Ở trên đường làng, ở hiên nhà, dưới gốc cây, trong vườn nhà,…có mặt ở khắp đất nước Việt Nam. Hầm chông dễ làm, tre thì ta có sẵn ngay ngoài vườn, từ những cụ già, những người phụ nữ, những em bé cũng tham gia vót chông để giết giặc. Chính vì vậy, hầm chông đã góp phần vào việc đánh giặc giữ làng, giữ nước của dân ta và đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của binh lính Mỹ.
Bụi cây di động
Sự ám ảnh, khổ sở của binh lính Mỹ khi tham chiến tại Việt Nam, vì quân Giải phóng ở khắp mọi nơi, thoắt ẩn, thoắt hiện, rất khó nắm bắt, rất khó khắc chế. Ngoài ra, một nguồn gốc khác của câu nói đến từ việc các chiến sĩ quân đội Giải phóng hành quân với đầy lá cây trên lưng nhằm mục tiêu ngụy trang đánh lừa các thiết bị của quân đội Mỹ và đồng minh, trông họ như những "bụi cây di động".
Trên rất nhiều diễn đàn, "meme" về những "bụi cây biết nói" còn được sử dụng để châm biếng truyền thông phương Tây - những người luôn tự cho rằng quân đội Giải phóng là những kẻ hề, vô lương tâm, thiếu não, chiến thuật nghèo nàn, còn phía Mỹ và đồng minh không hề thất bại, họ chỉ rút quân.
Frederic Whitehurst, một binh lính Mỹ từng về thăm Việt Nam chia sẻ rằng trong lúc đang chiến đấu chống lại quân Giải phóng thì anh ấy tự nhiên phát hiện ra một bụi cây động đậy. Và tất cả lính Mỹ đều rợn tóc gáy thì họ phát hiện ra ra một người lính Bắc Việt đang bò bằng tay và không hề đầu hàng, anh lính ấy mới 18 tuổi và bị dập nát cả hai chân.
Một câu chuyện khác được cựu binh này chia sẻ là chuyện anh này bắn vào một cô gái có đeo thắt lưng kiểu quân trang, cô ấy giật nảy mình nhưng không ngã xuống. Người cựu bình này bắn thẳng vào cô gái 15 lần, nhưng cô ấy không chết, chỉ đến khi một quả đạn M79 được ném thẳng vào, cô ấy mới chết hẳn. Và phản ứng đầu tiên của cựu binh này là sự sợ hãi, vì họ đã diệt đi “một bụi cây” và sẽ có hàng trăm, hàng ngàn “bụi cây” khác sẵn sàng lao vào họ.
Kể từ đại thắng mùa xuân 30/04/1975 của Việt Nam khép lại cuộc chiến tranh tàn khốc, phi nghĩa của quân đội Mỹ tại chiến trường này, người Mỹ đã thu về những bài học đắt giá, cảnh tỉnh “người Mỹ phải sống như thế nào và đừng để xảy ra một cuộc chiến tranh nào giống như ở Việt Nam nữa”. Những mất mát, đau đớn, tổn thương, những bi kịch của con người trong và sau chiến tranh được phản chiếu trong bộ phận văn học về chiến tranh của Việt Nam, Mỹ và còn nhiều nước khác nữa trên thế giới nhắc chúng ta luôn ghi nhớ về sự giữ gìn một cuộc sống hòa bình- đó mới chính là huyền thoại lớn nhất và mãi mãi mà con người hướng đến.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người Mỹ. Vì sao một cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới lại không thể khuất phục một nước Việt Nam bé nhỏ, nghèo nàn và vừa trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp? Nhiều lý do được đưa ra nhưng một yếu tố mà người Mỹ không thể không nhắc đến là ý chí đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.
Tác giả bài viết: Phạm Hoa
Nguồn tin: danviet:
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Với các lĩnh vực hoạt động, công ty luôn mang đến những sản phẩm chất lượng, cam kết phục vụ khách hàng bằng tất cả trái tim của mình. Mọi chi tiết xin liên hệ: Công ty TNHH Truyền thông Công nghệ, Du lịch và Giáo dục Hoàng Hải